Site icon Blog Dương Trạng

Burma hay Myanmar?

Nguồn: “Nên nói Myanmar hay Burma“, The Economist, 20/12/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Theo Sách hướng dẫn văn phong của The Economist, chúng ta nên tuân theo quy tắc địa phương khi một quốc gia chính thức thay đổi tên gọi của mình. Ví dụ, chúng ta nên sử dụng “Myanmar” thay cho “Burma”, và “Yangon” thay cho “Rangoon”. Tất nhiên, chúng tôi tuân thủ quy tắc này trên trang web của chúng tôi, nhưng không phải tất cả mọi người đều làm như vậy. Khi bạn hạ cánh tại sân bay bận rộn nhất của đất nước này, phi công của bạn có thể thông báo chào mừng đến Yangon, nhưng hành lý của bạn vẫn được gắn thẻ RGN. Mặc dù Barack Obama sử dụng tên gọi Myanmar trong lần đầu tiên gặp cựu tổng thống Thein Sein, nhưng đại sứ quán Mỹ vẫn sử dụng “Rangoon, Burma” là địa chỉ của mình. Người Miến Điện thường gọi đất nước của mình là “Burma” và thành phố lớn nhất là “Rangoon” trong cuộc sống hàng ngày. Cho nên, bạn nên sử dụng tên nào và tại sao?

Năm 1989, chính quyền quân sự lúc đó đã đổi tên đất nước, một năm sau khi đàn áp một cuộc nổi dậy và trước khi Aung San Suu Kyi chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự lúc đó không công nhận. Chính quyền quân sự tuyên bố rằng Burma (Miến Điện) là một tên được áp đặt từ thời thuộc địa và cái tên này “phản ánh sự phân biệt sắc tộc, vì nó chỉ định đất nước của dân tộc Burman (Miến) (trong khi Myanmar có nhiều dân tộc thiểu số)”.

Điều này không phải lý do vững chắc, vì bất kỳ ý kiến ưu thế sắc tộc nào được ngụ ý trong tên gọi Miến Điện cũng trở nên mờ nhạt khi so sánh với chính sách thực tế của chính quyền quân sự.

Ngoài ra, cả hai tên này có nguồn gốc chung. Mặc dù chúng khác nhau khi được viết bằng tiếng Anh, nhưng ở Miến Điện chúng có cách phát âm gần nhau: “buh” hoặc “munn”, sau đó là âm “MA” dài hơn. Cả hai tên đều không có âm “r” nặng. Không ai bao giờ phát âm là “MAI-an-marr”. Theo Gustaaf Houtman, một nhà nhân học nghiên cứu về Miến Điện, người bản địa sử dụng cả hai từ: Myanmar là hình thức chính thức, sử dụng trong văn viết, và Burma được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Burma dễ phát âm hơn (đối với người nước ngoài) và nhất quán về hình thức: tính từ là Burmese, không có tính từ Myanmarese.

Vậy chúng ta nên sử dụng tên nào? Trong nhiều năm qua, điều đó phụ thuộc vào quan điểm chính trị của người nói (hoặc người viết). Aung San Suu Kyi và những người ủng hộ cuộc chiến của bà từ chối sử dụng tên “Myanmar”, vì điều này sẽ công nhận tính hợp pháp của chế độ quân sự và chính quyền này. Do đó, các quốc gia ủng hộ cuộc chiến của bà, chủ yếu là ở châu Âu và châu Mỹ, cũng làm điều tương tự.

Tuy nhiên, kể từ khi Aung San Suu Kyi trở thành Hạ Nghị sĩ vào bốn năm trước – và đặc biệt từ khi lãnh đạo đất nước vào tháng 3/2016 – bà đã giảm phản đối về tên mới. Trong bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc trong vai trò là nhà lãnh đạo đất nước, bà chủ yếu sử dụng tên gọi “Myanmar”.

Tác giả của bài viết này thường đến thăm Miến Điện mỗi sáu tuần. Trong các bài viết trên tạp chí, tôi tuân theo sách hướng dẫn văn phong và gọi quốc gia này là “Myanmar”. Trong giao tiếp, tôi sử dụng cả hai tên khi thích hợp. Trừ một số du khách châu Âu cao tuổi quá giữ gìn, chưa ai bao giờ chỉnh sửa tôi. Cuộc tranh luận về tên gọi bắt nguồn từ những ngày mà Myanmar/Burma mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là chỉ đơn giản là tên gọi một quốc gia – khi sử dụng “Burma” đồng nghĩa với việc ủng hộ cuộc chiến cho tự do và công lý.

Những ngày đó đã qua. Bây giờ, vấn đề của đất nước này phức tạp hơn rất nhiều: không chỉ làm thế nào để thuyết phục một chế độ độc tài chấp nhận nguyện vọng của nhân dân, mà còn làm thế nào để đưa hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, và làm thế nào để chấm dứt nội chiến kéo dài thập kỷ và xây dựng một nhà nước công bằng, hiệu quả với quyền lực mở rộng trên toàn quốc gia. Những vấn đề này không thay đổi bất kể bạn sử dụng tên nào để chỉ đất nước này.

Exit mobile version