Site icon Blog Dương Trạng

Lịch sử và cách vận hành của Thượng viện Anh

Tham khảo: “What the House of Lords is for“, The Economist, 29/07/2015.

Dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Gần đây, Thượng viện Vương quốc Anh, còn được biết đến với tên gọi Viện Quý tộc (House of Lords), đã xuất hiện trên các mặt báo vì những lý do không mấy hay ho. Vào ngày 26 tháng Bảy, tờ Sun on Sunday, một tờ báo lá cải hữu, đã đăng tải hình ảnh và đoạn video ghi lại cảnh Thượng nghị sĩ Sewel (Phó Chủ tịch Thượng viện và cựu đồng minh của cựu Thủ tướng Tony Blair) tham gia những cuộc vui chơi đồi trụy, sử dụng các chất ma túy, và than phiền về thu nhập thấp của mình. Sau hai ngày chịu áp lực từ báo chí, ông đã tuyên bố từ chức vào ngày 28 tháng Bảy, theo một cơ chế mới được áp dụng từ năm trước. Sự việc này đặt vai trò và mục đích của Thượng viện vào tâm điểm chú ý. Thượng viện là cơ quan lập pháp có số thành viên đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Quốc hội Trung Quốc, và tất cả thành viên đều không được bầu cử. Viện sẽ sớm nhận thêm một số lượng lớn nghị viên mới. Vậy Thượng viện này được sử dụng vào mục đích gì?

Hệ thống lưỡng viện của Vương quốc Anh bắt đầu từ thế kỷ 14, khi các hiệp sĩ đại diện cho các quận hạt và thị trấn (Phe Thứ dân – the Commons) bắt đầu tổ chức tách biệt khỏi các lãnh tụ tôn giáo và quý tộc (Phe Quý tộc – the Lords). Ban đầu, Phe Quý tộc có quyền lực hơn, nhưng đến thế kỷ 17, sau một thời kỳ 11 năm không có chế độ quân chủ ở Anh, Phe Thứ dân đã thực sự trở nên ưu việt.

Qua các thế kỷ, Phe Quý tộc phát triển thành một cơ quan tập hợp các thành viên từ giới tu sĩ, các chính trị gia được bổ nhiệm và các quý tộc kế thừa chức vị trong tổ chức này nhằm kiểm soát việc lập pháp từ Hạ viện – nơi có quyền hơn. Trong 50 năm đầu thế kỷ 20, Thượng viện đã mất hầu hết quyền phủ quyết và cho đến năm 1999, đã hoàn toàn không còn quyền này. Tuy nhiên, Viện vẫn giữ lại 92 thượng nghị sĩ kế thừa chức vị.

Ngày nay, Viện Quý tộc, chủ yếu gồm các chính trị gia được bổ nhiệm, dành phần lớn thời gian để xem xét các dự luật được thông qua bởi Viện Thứ dân (Hạ viện), nơi có nguồn gốc chính các dự luật này. Theo “Thông lệ Salisbury” (Salisbury Convention), Thượng viện sẽ không cản trở các luật mà các đảng đã nhận được sự ủng hộ từ người dân thông qua các cuộc bỏ phiếu (tức là các dự luật được nêu trong các cam kết bầu cử của đảng). Tuy nhiên, Thượng viện sẽ đề xuất các sửa đổi và có thể ngăn chặn tiến trình của các dự luật không liên quan đến tài chính. Các thượng nghị sĩ cũng có nhiệm vụ chất vấn chính phủ và tham gia vào các ủy ban. Thay vì nhận lương, mỗi thành viên trong số hơn 800 thượng nghị sĩ sẽ được trả một khoản tiền tiêu vặt hàng ngày là 300 bảng Anh (468 USD) cho mỗi ngày họp.

Vì vậy, công việc của các thượng nghị sĩ cũng rất hữu ích, tạo ra môi trường họp mặt trầm tĩnh hơn so với những hạ nghị sĩ ồn ào; xem xét chính sách từ một quan điểm xa hơn thay vì quan điểm (ngắn hạn) tập trung vào việc giành được sự ủng hộ trong bầu cử; đóng vai trò như những người hiểu biết giàu kinh nghiệm, có kiến thức từ việc giữ các vị trí quan trọng và liên quan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều người (bao gồm cả tờ Economist) cho rằng, Thượng viện cần được thay đổi. Viện Quý tộc thường bị cho là nhàm chán (với độ tuổi trung bình của các thành viên là 70), và tạo điều kiện cho các chính trị gia thưởng thức lợi ích cá nhân và không đại diện cho phần lớn người dân. Một số người muốn biến Viện Quý tộc thành một Thượng viện được bầu cử, đại diện cho mọi khu vực và mọi quốc gia thành viên của Vương quốc Anh.

Trong nhiệm kỳ trước của quốc hội, các thành viên Đảng Dân chủ Tự do trong chính phủ liên minh đã cố gắng thực hiện cải cách Thượng viện, nhưng đã gặp sự cản trở từ các thượng nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ. Hiện tại, do Đảng Bảo thủ đang nắm quyền, việc cải tổ Thượng viện khó có thể diễn ra, mặc dù đã xảy ra vụ bê bối với ông Thượng nghị sĩ Sewel.

Exit mobile version